Chuột Hamster là tên gọi chung của những loài gặm nhấm nhỏ, thường được nuôi như thú cưng trong nhà. Có tất cả 24 loài Hamster đã được biết đến trên thế giới, chúng có thể được phân biệt với các loài gặm nhấm khác dựa vào đặc điểm đuôi và chân rất ngắn, tai nhỏ, thường ăn nhiều và rất mập mạp. Cũng chính bởi những đặc điểm đáng yêu này mà chuột Hamster rất được yêu thích, trở thành thú cưng quen thuộc với nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới. Bài viết này Thú Kiểng sẽ giới thiệu các đặc điểm của Hamster, môi trường sống, thức ăn ưa thích và các loài Hamster phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.
Chuột Hamster – những điều nên biết trước khi nuôi
Đặc điểm, kích thước
Có tất cả 24 loài chuột Hamster đã được phát hiện trên thế giới, với kích thước rất đa dạng. Kích thước phổ biến nhất dao động từ 13 – 15cm (đối với Hamster Bear, hay Hamster Syria). Những chú Hamster nhỏ nhất là Hamster Lùn (Hamster Robo, hay Dwarf Hamster – Chuột đồng Mông Cổ) chỉ dài khoảng 5cm, trong khi những em lớn nhất, Hamster châu Âu, có thể dài tới 35cm và nặng tới gần 1kg, lớn hơn cả một chú thỏ trưởng thành.
Có một số đặc điểm rất dễ phân hiện chuột Hamster với các loài gặm nhấm khác như chân và đuôi rất ngắn, tai nhỏ, thân hình rất mập mạp. Do có thói quen tích trữ lương thực nên đa số loài Hamster có khoang miệng rộng, có thể phình ra để chứa thức ăn bên trong.
Môi trường sống
Môi trường sống của Hamster hết sức đa dạng. Những chú Hamster đầu tiên được phát hiện ở Syria, sau đó còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Hy Lạp, Romani, Bỉ, Trung Quốc,… Nhìn chung, các giống
Hamster đều thích môi trường khô ráo, ấm áp và sạch sẽ. Môi trường khô ráo là điều kiện cực kỳ quan trọng khi nuôi Hamster, bởi trong tự nhiên Hamster đã thích nghi hoàn hảo trong môi trường có độ ẩm thấp của sa mạc, thảo nguyên. Môi trường sống ẩm ướt có thể khiến Hamster mắc nhiều bệnh khó chữa, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé.
Tập tính
Hamster là loài có thói quen sống về đêm và thích ngủ ngày, vì vậy nhiều người cho rằng Hamster mập mạp là do chúng chậm chạp và rất lười vận động. Tuy nhiên điều này không chính xác, trên thực tế loài này hoạt động rất hoạt bát về đêm, khi hầu hết sinh vật khác đã đi ngủ. Trong tự nhiên chúng có thể chạy nhiều cây số mỗi đêm để kiếm đủ thức ăn và trốn tránh kẻ thù.
Hamster có tập tính tích trữ lương thực. Bạn có thể thấy Hamster rất tham lam vì cho bao nhiêu thức ăn chúng cũng cố ăn hết. Tuy nhiên thực tế chúng không tiêu hóa hết số thức ăn mà bạn cho một lúc, mà chỉ cố gắng cho hết vào khoang miệng và đưa về tổ tích trữ cho những lúc đói kém. Đây là bản năng của Hamser do trong môi trường tự nhiên, thức ăn rất khan hiếm, chúng phải tích trữ cho những lúc đói kém. Vì vậy, bạn nên tránh cho Hamster quá nhiều thức ăn, vì thức ăn thừa không ăn hết có thể bị thối, mốc, trở thành mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số loài Hamster có lối sống cộng đồng, trong khi một số khác lại có tập tính bảo vệ lãnh thổ quyết liệt. Chẳng hạn như loài Hamster Syria sẽ tấn công bất cứ cá thể Hamster nào (cùng loài hay khác loài) dám xâm phạm lãnh thổ của chúng. Hậu quả của những trận đánh có thể rất thương tâm. Vì vậy bạn cần tìm hiểu kỹ tập tính của từng loài hamster nếu có ý định nuôi chung chúng với nhau.
Thức ăn của chuột Hamster
Giống như hầu hết các giống chuột khác, thức ăn của chuột Hamster rất đa dạng, thực đơn chính là các loại thực vật, củ quả nhu carot, dưa chuột, táo, chuối, rau cải, các loại hạt như thóc, ngô, hướng dương, lạc, điều,… Đặc biệt, trong môi trường nuôi nhốt, Hamster rất thích ăn các loại bánh quy. Tuy nhiên, bánh thường giàu năng lượng vì vậy bạn chỉ nên cho ăn ít để tránh bé bị béo phì.
Đặc biệt nên tránh các loại trái cây họ cam, như cam, quý, bưởi,… Axit citric trong các loại quả này có thể khiến Hamster bị ngộ độc. Tránh tất cả các loại thức ăn có chứa muối hoặc dấm, hamster không thích các loại gia vị này vì chúng có thể gây bệnh đường tiêu hóa. Cũng nên tránh cho các bé ăn phô mai, mặc dù phô mai rất giàu dinh dưỡng và hầu hết các bé Hamster đều không chê món này, tuy nhiên phô mai sẽ khiến bé nhà bạn nặng mùi và bạn sẽ phải dọn dẹp vất vả hơn.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>Mời bạn xem thêm: Mua chuột Hamster. Nơi bán chuột Hamster giá rẻ ở Hà Nội & TPHCM
Các loài Hamster phổ biến ở Việt Nam
Có tất cả 24 loài Hamster trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam có 4 loài được ưa chuộng nhất là: Hamster Bear, Robo, Winter White và Cambell.
Hamster Bear (Hamster Syrian)
Hamster Bear, hay còn gọi là Hamster Syrian (được phát hiện lần đầu tiên tại Syria). Trong số tất cả các loài Hamster thì Bear có kích thước trung bình, dài khoảng 15cm, cân nặng khoảng 150 – 200g khi trưởng thành (lớn nhất trong số 4 loài phổ biến ở Việt Nam). Hamster Bear là loài được yêu thích nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay, 70% người nuôi Hamster chọn Bear vì thân hình mập mạp, dễ nuôi, hiền lành và rất thân thiện.
Tuy nhiên, Hamster Bear chỉ hiền lành và thân thiện với con người. Còn với các cá thể Hamster khác chúng có thể trở nên hung dữ và hiếu chiến do tập tính bảo vệ lãnh thổ. Tất nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, tập tính này có thể thay đổi nhưng không phải cá thể nào cũng có thể hòa nhập tốt với những bé khác. Vì vậy hãy nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi nuôi các bé Bear với nhau, hoặc nuôi Bear với một loài hamster khác.
Hamster Robo (Hamster Roborovski)
Hamster Robo, hay còn gọi là chuột đồng Mông Cổ, là dòng nhỏ nhất trong các loài hamster, kích thước chỉ khoảng 4 – 5cm, cân nặng khoảng 50g khi trưởng thành, tức chỉ to hơn ngón tay cái chút xíu. Khác với Bear chỉ thích ăn đêm ngủ ngày, Hamster Robo cực kỳ năng động, chúng ngủ rất ít, có thể chơi cả ngày với những món đồ chơi bạn cho.
Do có kích thước nhỏ, bất kỳ con vật nào trong tự nhiên cũng có thể đe dọa Robo nên chúng rất nhút nhát, hay bị giật mình. Sẽ phải mất khá lâu để bé Robo có thể quen và chơi đùa tự nhiên với bạn. Trong trường hợp cảm thấy bị đe dọa, Robo có thể lăn đùng ra, nằm bất động để giả chết, vì vậy đừng quá lo lắng khi thấy bé Robo tự nhiên nằm lăn ra khi có người lạ đến gần.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>Mời bạn xem thêm: Chuột Hamster giá bao nhiêu? Giá chuột Hamster ở Việt Nam
Hamster Winter White
Hamster Winter White, thường được gọi ngắn gọn là WW, là giống chuột đồng Siberia được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1773, sớm hơn hầu hết các loài hamster khác. Hamster WW có kích thước khá nhỏ, chỉ dài 8 – 10cm và nặng khoảng 90 – 120g khi trưởng thành. WW rất hiền, có thể nuôi cùng các bé Hamster khác, chúng cũng rất dạn người nên bạn dễ dàng bồng bế, vuốt ve.
Tuy nhiên WW cũng được đánh giá là khá nhút nhát với người lạ, thường co rúm lại như cục bông khi có người lạ nhiệt tình thái quá. Thậm chí có thể giả chết khi cảm thấy bị đe dọa, nhất là khi bị giật mình do có những âm thanh lớn. WW có rất nhiều màu sắc, phổ biến nhất là vàng chanh, trà sữa, trắng (hoặc xám) sọc đen, nâu sóc,…. Đặc biệt, màu sắc của Hamster Winter White có thể thay đổi theo mùa, màu có thể nhạt hoặc đậm hơn tùy thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh, sự thay đổi thường chỉ nhìn thấy rõ nét sau 2 – 3 tháng.
Chuột Hamster Campbell
Chuột Hamster Campbell có kích thước tương đương và hình dáng gần giống với Winter White. Những người mới nuôi rất hay bị nhầm lẫn giữa 2 loài này. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là mũi, mũi Campbell nhọn và thẳng tạo thành hình tam giác với chán, trong khi WW có mũi tù và cong, tạo thành đường cong mềm mại với chán. Một đặc điểm khác là tai Campbell thường to, rộng và ít lông, trong khi WW có tai thon nhỏ và nhiều lông che phủ.
Xét về tính cách, Campbell được đánh giá là khá hiếu chiến. Khi có một bé Campbell khác lại gần, thay vì co rúm lại như WW thì Campbell thường chủ động tấn công hoặc đe dọa. Đây là hành vi bảo vệ lãnh thổ thường thấy trong tự nhiên.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>Mời bạn xem thêm: Cách nuôi Hamster. Các vật dụng và thức ăn cho chuột Hamster
Giá chuột Hamster ở Việt Nam
Giá chuột Hamster ở Việt Nam hiện ở mức khá hợp lý, chỉ khoảng 100 – 200k mỗi bé tùy từng loài. Nuôi Hamster cũng không tốn kém, bạn có thể tận dụng các loại hoa quả, rau cỏ, bánh quy hàng ngày để nuôi bé. Tất cả mọi người đều có thể nuôi 1 vài bé Hamster trong nhà. Quan trọng nhất là phải giữ cho không gian sống của bé sạch sẽ và đặc biệt là khô thoáng để tránh các bệnh nguy hiểm.
Discussion about this post